Nightcrawler (Kurt Wagner) là một dị nhân có vẻ ngoài đáng sợ với nước da xanh, đôi tai nhọn, tay ba ngón và nhất là một chiếc đuôi dài. Đây là thể loại phim kinh dị tâm lý phổ biến và hay nhất mọi thời đại.
Dưới đây là Top 10 phim nổi tiếng có nội dung tương tự Nightcrawler hay nhất nên xem mà Toplist Việt Nam muốn giới thiệu với bạn
BIRDMAN (2014) – ĐỈNH CAO CỦA NGHỆ THUẬT CHÂM BIẾM
“Birdman” cái bóng quá lớn và khao khát khẳng định bản thân
Bộ phim xoay quanh câu chuyện của Riggan Thomson (Michael Keaton thủ vai) ngôi sao Hollywood hết thời từng nổi tiếng với nhân vật siêu anh hùng Birdman. Bất ngờ từ bỏ thương hiệu phim bom tấn ấy khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Thomson hoàn toàn biến mất khỏi tầm mắt người hâm mộ. Mấy chục năm sau, luôn ám ảnh bởi cái bóng quá lớn từ hào quang quá khứ, Thomson trở lại nghề với khao khát khẳng định bản thân là một diễn viên thực thụ chứ không phải “diễn viên đóng vai Birdman”.
Bắt đầu lại với công việc đạo diễn kiêm diễn viên chính của vở kịch What We Talk About When We Talk About Love tại sân khấu kịch Broadway lừng danh, Thomson gần như đã đánh cược toàn bộ cơ nghiệp cho vở diễn. Khi khó khăn trong sự nghiệp chất chồng chưa được giải quyết, Thomson còn phải đối mặt với mâu thuẫn với Sam, cô con gái từng phải vào trại cai nghiện ma túy, lạc lõng cùng lối cư xử bất cần phản xã hội vì không biết cách thể hiện bản thân.
Mọi thứ càng rắc rối hơn khi Mike Shiner (Edward Norton) đảm nhận vai thứ chính của vở kịch. Gã diễn viên tài năng ngoài đời hoàn toàn là một tên khốn, gã chỉ thật sự “sống” khi lên sân khấu đến mức đòi sex với bạn diễn ngay trên sân khấu vì diễn quá nhập tâm. Hay Lesley (Naomi Watts) người luôn kiên trì chịu đựng mọi khó khăn vì ước mơ được diễn trên sân khấu Broadway.
Nhưng khó khăn và thách thức không chỉ đến từ bên ngoài. Nó còn tồn tại trong nội tâm Thomson. Đạo diễn đã rất tinh tế khi lồng ghép thế giới hiện thực trong phim với thế giới tinh thần, nơi Thomson phải đấu tranh với một bên là lời lẽ dụ hoặc của “Người chim” muốn ông quay lại với vai diễn từng đưa ông lên đỉnh cao sự nghiệp trong quá khứ. Một bên là khao khát trở thành diễn viên thực thụ trên sân khấu kịch. Cái bóng “Người chim” không ngừng ám ảnh thuyết phục Thomson rằng ông không là gì cả nếu thiếu Birdman. Thêm vào đó là định kiến phiến diện và lời hứa sẽ hủy hoại vở diễn của nhà phê bình Dickinson khi bà thậm chí còn chưa xem vở kịch.
Phim đặc biệt còn bởi những cảnh quay liền mạch không cắt cảnh mang đậm hơi hướm kịch sân khấu. Cùng với đó là sự lồng ghép đan xen giữa thế giới tâm hồn và hiện thực đưa khán giả từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, buộc phải căng mắt nhập tâm để ý từng chi tiết. Đến mức cùng một cảnh nếu nhìn theo cách khác sẽ mang ý nghĩa hoàn toàn khác, để cuối cùng chỉ có thể than rằng nghệ thuật chính là sự tồn tại không có giới hạn.
Góc nhìn nghệ thuật không giới hạn và ý nghĩa đáng quý sau hình tượng “Người chim”
Từ những phút đầu tiên đạo diễn đã khéo léo dẫn dắt người xem vào thế giới tâm hồn của Riggan Thomson. Để đến khi theo chân nhân vật ngày càng hiểu hơn về cuộc sống của ông mới ngỡ ngàng nhận ra siêu năng lực, hay sự xuất hiện của Người chim đều là hình tượng nhân hóa chỉ xuất hiện trong thế giới tinh thần của Thomson. Vì là phim điện ảnh nghệ thuật nên bộ phim sẽ khá khó hiểu nếu bạn không đủ kiên nhẫn hoặc kiến thức điện ảnh để lý giải. Nhưng với những người thưởng thức điện ảnh bình thường, chỉ cần đừng tự đặt ra bất cứ giới hạn nào. Hãy để bộ phim dẫn dắt bạn mở ra những góc nhìn mới thì tin chắc khi giai điệu cuối cùng kết thúc. Ai trong chúng ta cũng sẽ có cho mình một phần của điều kỳ diệu.
Chi tiết xuyên suốt tôi thích nhất từ đầu tới cuối phim chính là hình ảnh những bó hoa hồng. Thomson nói với con gái trong đoạn đầu phim rằng ông ghét hoa hồng. Nhưng dù nói rõ thì Sam lẫn người hâm mộ đều tặng ông hoa hồng trong buổi diễn thử chính thức đầu tiên. Cả căn phòng đầy hoa hồng ẩn dụ rằng ông vẫn chưa tìm thấy chính mình, một sự chế nhạo ngầm giống như lời Sam nói, họ sẽ quên ông ngay khi vở diễn kết thúc. Vậy nên không có ai thật sự để tâm ông ghét gì. Đến cảnh kết phim, hình ảnh cả phòng bệnh ngâp hoa, đủ mọi sắc màu quan trọng nhất là không có hoa hồng. Và bó tử đinh hương mà Sam mang đến như sự khẳng định giá trị nhất của thành công dành cho Riggan Thomson.
Hình tượng “Người Chim” cùng giọng nói bí ẩn luôn khiêu khích, dè bỉu mỗi khi ông gặp khó khăn hay nhân vật nhà phê bình Dickinson người giữ khư khư góc nhìn phiến diện cá nhân. Đó là hai tầng khó khăn mà ai trong chúng ta cũng sẽ phải trải qua ít nhất một lần trong đời khi muốn khẳng định bản thân để tìm thấy chính mình.
“Người chim” chính là nỗi hoang mang, tự nghi ngờ của bản thân với lựa chọn của chính mình, giọng nói bí ẩn dẫn dắt ta đến những lựa chọn đơn giản hơn mà một khi nghe theo sẽ hoàn toàn từ bỏ con đường tìm kiếm chính mình. Còn nhà phê bình Dickinson chính là cái nhìn, đánh giá qua đôi mắt của người khác. Họ không quan tâm bạn thực sự có thể làm được những gì mà chỉ thấy thứ họ muốn. Giống như Riggan Thomson đã khiến nhà phê bình Dickinson sững sờ và gần như bỏ chạy sau khi xem ông diễn hồi cuối vở kịch. Hay cảnh “Người chim” tạm biệt Thomson ở nhà vệ sinh bệnh viện trong cảnh kết phim. Con đường khẳng định bản thân vô cùng chông gai và cô độc, hy vọng dù bạn lựa chọn ra sao cũng sẽ có đủ dũng khí và kiên định kiên trì đến cuối cùng.
Đoạn kết mở của bộ phim là món quà bất ngờ cuối cùng mở ra góc nhìn nghệ thuật không giới hạn. Đạo diễn muốn để người xem tự do viết nên cái kết cho nhân vật chính theo cách nhìn của riêng mình. Bật mí nhỏ đó là đừng để đôi mắt đánh lừa bạn.
Vậy thứ bạn thấy là gì? Hãy cùng xem phim và cảm nhận nhé!
[dzs_video source=”https://www.youtube.com/watch?v=uJfLoE6hanc” config=”skinauroradefault” autoplay=”off” cue=”off” loop=”off” type=”normal” responsive_ratio=”default”]Phim Ác Từ Trong Trứng Inherent Vice (2014)
Inherent Vice (Paul Thomas Anderson, 2014)
Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của Thomas Pychon, Inherent Vice là bộ phim mới nhất của Paul Thomas Anderson, lấy bối cảnh Los Angeles năm 1970, kể về một thám tử tư nghiện ngập (Joaquin Phoenix) có nhiệm vụ điều tra vụ một mất tích người phụ nữ từng là bạn gái cũ của mình với sự tham gia của dàn diễn viên hạng A (Josh Brolin, Joaquin Phoenix, Reese Witherspoon, Jena Malone, Benicio Del Toro, Owen Wilson) dự kiến ra mắt vào nửa cuối năm nay. Inherent Vice hứa hẹn là một trong nhiều tác phẩm xuất sắc trong sự nghiệp đang lên của đạo diễn Paul Thomas Anderson trong thời gian tới.
No Country for Old Men: số phận hay luật lệ ? Không gì cả!
Phim No Country for Old Men (2007) mang đến cho người xem rất nhiều sự ức chế và ám ảnh, điều đó đến từ sự phi lý của nội dung, một bộ phim mà cái kết khiến ta không thể thỏa mãn dù trên bất cứ phương diện nào. Nếu logic, bạn có thể suy luận, nếu trừu tượng theo lối gán ghép tôn giáo hoặc thần thoại, bạn có thể nghiêng cứu từ sự dẫn dắt. Nhưng nếu nó bắt đầu bằng sự phi lý, bạn sẽ mất phương hướng. Nhưng thật may mắn, bạn đã có Chí Blog trong hiện tại. Hiện tại? vì Chí Blog của một năm trước cũng không đủ khả năng hiểu phim này. Tên tiếng Việt của phim là Không Chốn Dung Thân (tôi thích tên này), IMDb 8.1
Nếu Pulp Fiction là phim khiến tôi ray rức 1 thì phim này khiến tôi ray rức 10 khi xem lần đầu, vì nếu bạn không hiểu Pulp Fiction, bạn chỉ nghĩ rằng nó nhảm nhí. Tuy nhiên, với No Country for Old Men lại khác, bạn biết nó có ý nghĩa gì đó nhưng nghĩ mãi vẫn không hiểu. Đơn giản bởi vì phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Cormac McCathy – một nhà văn lớn của Mỹ. Phim đoạt 4 giải Oscar, 2 Quả Cầu Vàng và vô số giải khác. Nhớ xem phim trước khi đọc bài.
Chuyện kể về Llewelyn tình cờ tìm được một vali với số tiền khoản 2 triệu USD, đó là số tiền trong giao dịch ma túy, cả 2 phe đều chết vì giết lẫn nhau. Thế là Llewelyn mang số tiền chạy trốn, trong khi đó ông trùm băng đảng đã thuê Chigurh – một tên giết người biến thái tìm lại nó. Câu chuyện sẽ không có gì lạ nếu kẻ được thuê làm đúng với chức nghiệp của hắn, nhưng điều khiến ta không chấp nhận được là gặp ai hắn cũng giết, giết người không có lý do.
Chigurh bị cảnh sát bắt, hắn giết cảnh sát, hắn dùng xe cảnh sát để trốn, một người dân dừng lại vì tưởng hắn là cảnh sát nên bị giết, hắn giết kẻ sửa xe cho hắn, giết nhân viên khách sạn, giết kẻ thuê hắn, giết theo ngẫu hứng. Đôi khi hắn tung đồng xu để họ chọn, đúng thì sống, sai thì chết, có khả năng hắn giết luôn vợ của Llewelyn dù đã lấy được số tiền. Mặc dù Llewelyn từng là một cựu quân nhân và rất thông minh, nhưng anh ấy bị Chigurh dồn ép không thở nổi. Chỉ có một người duy nhất khiến hắn bỏ chạy, đó chính là cảnh sát trưởng già nua Ed.
Diễn biến phim chậm nhưng rất dồn nén và bạo lực, tôi không review mấy thứ linh tinh đó, rất nhiều bài viết khác đã làm rồi, tôi chú trọng thông điệp của phim hơn. Còn những ai chê phim này dở, chẳng qua là họ xem nhưng không hiểu, tất nhiên đây là quan điểm cá nhân tôi.
Những gì được truyền tải trong phim thì không chỉ là phim, chúng ta thấy nó rất nhiều trong hiện thực. Ở phương Tây, đâu đó ở nơi công cộng bỗng có kẻ điên cầm dao hoặc súng rồi gặp ai cũng giết, người chết có thể là nam – nữ, trẻ em – người lớn, người giàu – người nghèo; hoặc các vụ sả súng trong trường học, hoặc khủng bố. Nó cũng có thể là bệnh tật, là tai nạn giao thông, bão lụt và hạn hán do môi trường bị tàn phá; nó cũng có thể là các căn bệnh truyền nhiễm như Đậu Mùa hoặc Corona. Bản chất của những thứ này đâu có tính thiện – ác, nhưng nó được sinh ra từ cái ác – “bóng tối” – sự dốt nát.
Con người chỉ sống tốt trong đời sống bản thân thì hoàn toàn chưa đủ, phải làm nhiều điều hơn nữa. Còn những kẻ làm ác cũng vậy, khi “hư vô” đến, họ cũng không thể hưởng cái thành quả lấy được từ việc ác. Điều đó giống như cảnh tai nạn giao thông ở cuối phim, bản thân Chigurh là kẻ điên, nhưng hắn cũng cố gắng chờ đèn xanh mới chạy qua, vậy mà vẫn bị xe tông. VN chúng ta cũng không lạ chuyện bị chết khi dừng đèn đỏ. Tôi không biết các bạn có cảm thấy sợ hay không, chứ bản thân tôi thì sợ vãi cả linh hồn.
https://www.youtube.com/watch?v=WXWxhVGc81I
Nocturnal Animals (2016) và bản thú tội trút ra với mình
Mặc dù được đánh giá rất cao, nhưng bộ phim chỉ nhận về duy nhất một đề cử cho nam diễn viên phụ xuất sắc nhất là Michael Shannon.
Trong một năm mà Amy Adams có đến hai vai diễn trong hai bộ phim nghệ thuật đầy ấn tượng, Nocturnal Animals và Arrival, việc cô không được đề cử ở hạng mục nữ chính xuất sắc là một điều gây tranh cãi và một nỗi thất vọng lớn của người hâm mộ.
Một lần nữa, Amy Adams và JakeGullenhaal chứng tỏ họ là những diễn viên tài năng nhất trong cùng thế hệ ở Hollywood.
Amy Adams tiết chế lời nói, cô chỉ biểu hiện bản thân bằng cử chỉ, thần thái, để nói về một Susan đang đổ vỡ ở bên trong, đang lạc lối trong một mê cung không thể thoát, đang hứng chịu những đòn roi từ quá khứ, và đang muốn quay trở lại như thể hy vọng vào một phao cứu sinh mà Edward mang đến qua tiểu thuyết của anh.
Còn Edward, với sự nhập vai của Jake trong bóng hình của Tony đang muốn nói hết sự thật về sự hèn nhát của mình, về sự thất bại trong việc níu kéo mối quan hệ với vợ, về lần sảy thai của vợ, về cách anh nhìn nhận và đánh giá về Susan trong suốt những năm tháng qua, anh đang tìm một sự giải thoát.
Nocturnal Animals là một bản thú tội, mà anh muốn trút ra với chính mình.
Người ta có thể cho rằng, Edward đang trả thù Susan. Nhưng điều đó hẳn không đúng. Tom Ford đủ nhạy cảm và tinh tế để phô bày ra sự trần trụi trong đời sống của người lớn, của những kẻ chối bỏ tình yêu để chạy theo sự hư ảo.
Edward nói rằng ”Khi em yêu ai đó, phải phải chăm chút cho tình cảm đó, vì tình yêu đó nó có thể chẳng bao giờ đến với mình nữa”. Edward chỉ muốn nhắc lại cho Susan biết, cô đã từng như nào, đã thay đổi ra sao. Cũng giống như anh, cho đến cuối cùng, anh cũng đã có thể xuất bản được tác phẩm của mình, anh đã thành công.
Nocturnal Animals cho ta có một cái nhìn trực diện, trung thực về một sự mục ruỗng trong một mối quan hệ do những nhu cầu về dục vọng, tiền bạc quá lớn khiến nó chết đi và được thay thế bằng sự vụn vỡ từ bên trong của mỗi người.
Drive (2011)
Lao đi trên chiếc xe cơ bắp, bỏ lại tiếng còi xe inh ỏi đằng sau, chàng quái xế bình tĩnh chờ đợi đến khoảnh khắc và biến mất.
“Tôi không làm việc với ai 2 lần, các anh chỉ có 5 phút để thực hiện vụ cướp, sau đó tôi sẽ chuồn bất chấp việc các anh đã làm xong hay chưa, nếu đồng ý thì chúng ta thỏa thuận”. Chàng quái xế miệng ngậm que tăm dài quá khổ, mở sẵn cửa và chờ đợi. Lao đi trên chiếc xe cơ bắp, bỏ lại tiếng còi xe inh ỏi đằng sau, chàng quái xế bình tĩnh chờ đợi đến khoảnh khắc và biến mất.
Chàng tài xế vô danh (Ryan Gosling) sống ở một căn hộ cho thuê, làm việc tại môt cửa hàng bảo dưỡng xe hơi của Shannon (Bryan Cranston). Khá trầm lặng và hiếm khi nở nụ cười, lúc rảnh rỗi anh là một diễn viên đóng thế. Nhưng đó chỉ là công việc vào ban ngày, còn về đêm anh làm tài xế cho các vụ cướp, sử dụng tài năng lái xe điêu luyện để tẩu thoát.
Một ngày, anh gặp gỡ cô hàng xóm mới chuyển đến Irene (Carey Mulligan) trong thang máy tòa nhà. Hai người nhanh chóng trở thành bạn sau những lần anh giúp đỡ Irene. Anh dành nhiều thời gian hơn cho cô và bắt đầu nảy sinh tình cảm. Đúng lúc này, chồng của Irene được mãn hạn tù trở về. Vì muốn giúp đỡ gia đình Irene trả nợ, anh vô tình vướng vào một phi vụ và chồng của Irene không may bị sát hại. Không chỉ thế, anh chàng quái xế lại vướng vào một vụ lộn xộn khác với Bernie Rose (Albert Brooks) – một lão già gốc Do Thái cầm đầu một băng đảng ở thành phố. Tình thế bắt buộc anh phải trở thành anh hùng bất đắc dĩ ra tay bảo vệ 2 mẹ con Irene và ông bạn già Shannon.
Được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn James Sallis, Drive là một bộ phim hình sự kiểu mới chất và lạ. Đặc trưng phim là những trường đoạn quay chậm đặc tả tâm trạng nhân vật chính, chàng trai cô độc và lạnh lùng, không người thân không quá khứ, chẳng ai biết được mục tiêu của anh là gì. Phần âm nhạc do Cliff Martinez thổi hồn với những giai điệu electronic, dubstep đầy mê hoặc sẽ khiến cho người xem cảm thấy vô cùng hứng thú ngay từ những giây phút đầu tiên. Đặc biệt, album nhạc nền của phim đã leo lên vị trí 31 trên bảng xếp hạng Billboard 200 và phim cũng giành được 1 đề cử Oscar cho phần nhạc nền xuất sắc nhất.
Không hào nhoáng với những pha rượt đuổi kịch tính, cũng không có nhiều cảnh hành động đã mắt, Drive chỉ đơn giản nói về cảm xúc của người ngồi sau tay lái với cái nhìn đầy thực tế. Tập trung lột tả cảm xúc của nhân vật chính với những nút thắt mở đầy hấp dẫn, những trường đoạn kịch tính đan xen dồn dập, Drive sẽ khiến bạn vô cùng hồi hộp và chẳng muốn ngừng lại dù chỉ một giây.
Gone Girl (2014) – hôn nhân là mồ chôn của tình yêu?
Bộ phim chuyển thể gây sốt mùa cuối năm nay là một tác phẩm đủ hấp dẫn, đủ ly kỳ để khiến nhiều khán giả nữ xem xong cảm thấy hả hê, còn đàn ông thì phải rùng mình.
Năm 2012, tiểu thuyết tâm lý ly kỳ Gone Girl của nữ nhà văn Gillian Flynn ra mắt nhanh chóng tạo nên cơn sốt và được New York Times đưa vào danh sách “Best Seller”. Cuốn sách khai thác những mặt tối của hôn nhân thông qua câu chuyện về một người vợ đột nhiên mất tích vào đúng dịp kỷ niệm 5 năm ngày cưới và mọi nghi ngờ đổ dồn vào người chồng. Với lối kể chuyện tinh tế và cái kết đầy ám ảnh, Gone Girl nhận vô số lời khen từ giới phê bình.
Tờ Financial Times thậm chí còn nhận xét một câu ngắn gọn về cuốn sách: “Read it and stay single” (Hãy đọc nó và sống độc thân). Ngay sau khi Gone Girl ra mắt và gây sốt, nữ diễn viên Reese Witherspoon bày tỏ sự quan tâm và nhanh chóng cùng các cộng sự của mình mua bản quyền chuyển thể tác phẩm này lên màn ảnh rộng.
Bộ phim chuyển thể trung thành với cốt truyện trong nguyên tác văn học. Mọi chuyện bắt đầu từ sự mất tích bí ẩn của Amy Elliott Dunne, vợ của Nick Dunne đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm ngày cưới của hai người. Những chứng cứ rời rạc tại hiện trường không đủ để cảnh sát kết luận được vụ án này. Một cuộc điều tra nhanh chóng được tiến hành và thu hút sự quan tâm của dư luận bởi Amy là một nữ nhà văn nổi tiếng. Mọi nghi ngờ đều dồn vào người chồng Nick Dunne và số đông đều cho rằng anh đã giết vợ. Dù luôn khẳng định mình vô tội, lời khai của Nick luôn có những sơ hở như thể anh đang che giấu một bí mật gì đó.
Theo chân cuộc điều tra của cảnh sát, người xem được khám phá về chuyện tình lãng mạn của Amy và Nick thuở mới gặp gỡ, yêu nhau, tiến đến hôn nhân và trải qua những khủng hoảng tâm lý như bao cặp vợ chồng trẻ khác. Từng chi tiết, từng nút thắt được mở ra để trả lời cho những nghi ngờ: “Nick Dunne có phải là kẻ giết vợ?”, “Nếu Amy đã chết thì xác cô hiện giờ ở đâu?”.
Đạo diễn David Fincher vốn nổi tiếng với những tác phẩm vừa có tính giải trí nhưng chất lượng nghệ thuật cao như Se7en, Fight Club, The Curious Case of Benjamin Button, The Social Network hay gần đây là The Girl with the Dragon Tattoo. Với Gone Girl, David Fincher trung thành với cuốn tiểu thuyết từ đường dây câu chuyện cho tới cách kể đan xen giữa hai góc nhìn của Nick và cuốn nhật ký bí mật của Amy.
Bằng ngôn ngữ điện ảnh xen lẫn giữa không khí lãng mạn, căng thẳng, bí ẩn và một cái kết đầy ám ảnh; Gone Girl để lại nhiều dư vị với một câu hỏi tu từ: “Phải chăng hôn nhân là mồ chôn của tình yêu?!”.
Nick và Amy cũng giống như bao người đàn ông và đàn bà khác trên thế giới. Họ gặp nhau, cảm thấy bị cuốn hút ở đối phương, yêu nhau một cách nồng nàn, cháy bỏng và quyết định đi đến hôn nhân. Nhưng đời sống vợ chồng không như mơ khi cả hai bị thử thách bởi sự ích kỷ, vật chất, bạo lực, sự chung thủy và cả nỗi cô đơn. Amy thậm chí đã viết trong nhật ký: “Đôi khi tôi cảm thấy như mình có thể biến mất bất kỳ lúc nào”.
Từ một vấn đề tưởng như rất quen thuộc và không có gì mới lạ ở các cuộc hôn nhân trong đời sống hiện đại, nữ nhà văn Gillian Flynn đã tạo nên một câu chuyện đầy rùng rợn, đánh trúng vào thực tế của những đôi vợ chồng trẻ, đặc biệt là tâm lý của những người vợ. Sau đó, David Fincher đã biết cách biến những lời kể, câu chữ ấy trở thành những hình ảnh ám ảnh và giàu sức thuyết phục. Đoạn kết có thể hơi khó tin với một số khán giả nhưng về tổng thể, Gone Girl vẫn là một tác phẩm có đủ các yếu tố hấp dẫn và chân thực mà những ai đã và đang sống trong hôn nhân có thể tìm thấy ít nhiều sự đồng cảm.
https://www.youtube.com/watch?v=esGn-xKFZdU
Donnie Darko (2001)
Cảnh kết thúc phim để lại cảm giác hoang mang đến ám ảnh cho khán giả.
Donnie Darko (2001) được khán giả xếp là một trong những phim “hại não”, phải tốn công suy nghĩ để hiểu cặn kẽ câu chuyện phim đề cập. Đây là một bộ phim kinh dị tâm lý, kịch bản và đạo diễn bởi Richard Kelly, ra mắt năm 2001, với sự tham gia của các diễn viên Jake Gyllenhaal, Jena Malone và Mary McDonnell.
Phim xoay quanh chuỗi hành động kỳ quặc, khó hiểu của cậu sinh viên lập dị Donnie Darko (Jake Gyllenhaal) mà phải đến tận cảnh kết phim, khán giả mới có thể xâu chuỗi các sự kiện này lại và hiểu ý nghĩa bộ phim muốn đề cập đến.
Vì quá căng thẳng và khó hiểu nên khi ra mắt, Donnie Darko chỉ thu về 4,1 triệu USD doanh thu toàn cầu, dù phim được đầu tư đến 4,5 triệu USD. Sau này, bộ phim nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình và lượng người xem tăng rất nhanh khiến phía sản xuất tung ra bản DVD cho khán giả.
Mở đầu Donnie Darko là cảnh nhân vật chính Donnie Darko (Jake Gyllenhaal) bị đánh thức và dẫn ra ngoài bởi một sinh vật trong lốt của một con thỏ to lớn. Con thỏ tự nhận mình là “Frank” và nói với Darko rằng thế giới sẽ kết thúc trong 28 ngày, 6 giờ, 42 phút và 12 giây.
Khi mặt trời mọc, Donnie thức dậy ở sân golf và về nhà. Cậu phát hiện ra một động cơ đã đâm vào phòng ngủ của cậu. Người chị gái Elizabeth (Maggie Gyllenhaal), nói với cậu không ai biết động cơ đó từ đâu đến.
Sau đó, cả bộ phim là những hành động phá hoại, gây rối, chống đối một cách khó hiểu của Doonie Darko khi nghe theo lời Frank. Ai cũng nghĩ Donnie là một thiếu niên không bình thường và cậu còn phải đến gặp bác sĩ tâm lý. Bác sĩ Thurman nói với bố mẹ của Donnie rằng cậu bị tách rời ra khỏi thực tại, và ảo tưởng của cậu về Frank là “ảo giác ban ngày”, là triệu chứng của việc hoang tưởng.
Cho đến tận cảnh kết phim, khán giả sửng sốt trước cái cách đạo diễn Richard Kelly đề cập đến và xây dựng một thế giới của mình. Donnie Darko đã chọn cách hy sinh để cứu thế giới đi về đúng quỹ đạo của nó. 28 ngày kể từ lúc Donnie được “chú thỏ” Frank hướng dẫn đều chỉ là quãng thời gian nằm trong một thế giới song song. Nếu Donnie không đưa mọi thứ về quỹ đạo đúng của nó, thế giới hiện tại sẽ bị phá hủy.
Donnie Darko chọn cái chết. Tất cả những người liên quan cùng trải qua 28 ngày “khác thường” đó đều không có nhận thức rõ ràng mà chỉ nghĩ đó là một giấc mơ. Vậy nên khi chàng thanh niên này gặp tai nạn, mọi người đều tỉnh giấc nửa đêm. Người trăn trở, người bàng hoàng, người day dứt mà không hiểu vì sao.
Trên nền ca khúc Mad World, cái chết của Donnie Darko đã để lại nhiều câu hỏi và sự tiếc nuối cho khán giả.
Điều được đánh giá cao trong bộ phim này, bên cạnh một kịch bản hại não chính là khả năng diễn xuất tuyệt vời của nam diễn viên Jake Gyllenhaal. Đây là một diễn viên “con nhà nòi” và có thực lực tại Hollywood. Jake Gyllenhaal không chỉ có gương mặt đẹp mà còn có khả năng diễn xuất hết mình, vào được nhiều dạng vai diễn với cách diễn biến hóa bất ngờ.
Trong Donnie Darko, nhiều người bị ám ảnh bởi nụ cười nửa miệng đầy khó hiểu của Jake Gyllenhaal. Bên cạnh đó còn là sự nhập vai xuất thần khi vào vai một chàng thanh niên lập dị. Sở hữu ngoại hình sáng bóng nhưng Donnie Darko của Jake Gyllenhaal lại thực sự rất ngớ ngẩn.
Collateral (2004)
Collateral là bộ phim dẫn đầu doanh thu tại Bắc Mỹ trong tuần lễ ra mắt đầu tiên, lọt vào top 10 bộ phim hay nhất năm 2004 của Học viện phim ảnh Mỹ (AFI). Collateral đánh dấu vai diễn phản diện đầu tiên của nam tài tử Tom Cruise…
1. Đó là một đêm đón đưa khách trên chiếc taxi của tài xế da màu Max (Jamie Foxx đóng). Anh là một công dân vô danh nơi thành phố Los Angeles đặc “đời sống Mỹ”: nghĩa là dường như chẳng ai quan tâm tới ai, mạnh ai nấy sống, tự do đến mức xa lạ, vô tâm.
Thế rồi Max gặp một khách hàng đặc biệt chưa bao giờ từng gặp. Vincent (Tom Cruise đóng) cao ráo lịnh lãm trong bộ vest màu nhã, song có đôi mắt lạnh tanh, khuôn mặt vô cảm như bao tay sát thủ giết người chuyên nghiệp khác. Vincent hài lòng khi gặp một “người giúp việc” bất đắc dĩ nhưng lại giỏi nghề taxi như Max.
Viên luật sư, tay hát jazz, tên trùm Lim gốc châu Á… lần lượt bị Vincent bắn hạ bằng sự tàn bạo chuyên nghiệp. Danh sách những kẻ cần phải giết thuê của Vincent là năm người chỉ trong vòng một đêm ở cái thành phố mà hắn mới đến lần đầu.
2. Điều đáng sợ là quan niệm của Vincent đối với nghề nghiệp của hắn: một mạng người mất đi thì có ý nghĩa gì đâu nơi cuộc đời này, giống như một tinh tú rơi rụng trong hàng triệu vì sao ở hàng triệu dãy ngân hà bao la mà thôi!
“Có một người qua đời trên xe điện ngầm. Xe điện chạy vòng quanh Los Angeles mấy lượt thì mới có kẻ phát hiện ra người đã chết” – Vincent đổ lỗi cho một xã hội vô tâm, một thế giới người với người xa lạ để minh họa cho quan điểm của mình, biện hộ cho cái nghề ác tâm của anh ta như thế. Và còn một lý do nữa, theo Vincent, hắn chỉ “thế thiên hành đạo” triệt tiêu những kẻ xấu trong xã hội để góp phần giúp xã hội tốt hơn!
Trong cuộc đấu khẩu giữa những chặng Max buộc phải chở tên sát thủ đi hành động trên taxi, người xem nhận ra số phận của hai người đàn ông hóa ra lại có một điểm gì đó giống nhau.
Đối với Vincent là bi kịch của một tuổi thơ bất hạnh hằn sâu và lớn lên trở thành sát thủ. Đối với Max là sự nhu nhược trước cuộc sống không có địa vị cao trong xã hội mặc dù bản thân anh luôn luôn khát khao thành công với giấc mơ làm chủ một công ty dịch vụ xe tải.
Vâng, Cả Vincent lẫn Max đều gặp bi kịch trong đời mình song cứ phó mặc buông trôi: Vincent cứ đi giết người.
3. …Người thứ năm, cuối cùng trong danh sách phải giết trong đêm, của Vincent chính là nữ công tố viên đã đi xe của Max trước khi gặp Vincent. Max dùng hết sức mình để cứu cô và mặc dù lần đầu tiên cầm súng nhưng cuối cùng anh đã hạ được Vincent.
Người xem bị đánh động bởi câu nói cuối cùng của Vincent lúc hấp hối: “Có ai quan tâm đến một kẻ đã chết trên xe điện ngầm không?”.
Tên sát thủ gục đầu chết trên dãy ghế xe điện ngầm không một bóng người – một hình ảnh ẩn dụ nhiều ý nghĩa…. Còn Max đã cho thấy Los Angeles không hẳn vô cảm “mạnh ai nấy sống”, rằng bản năng cơ bản của một người tốt là cứu người khác và ngăn chặn tội ác, dù ở bất cứ hoàn cảnh hay môi trường xã hội nào.
Prisoners (2013)
Với hai diễn viên nổi tiếng là Hugh Jackman, sau thời gian dài gây dấu ấn với vai “người sói” đã trở lại với một phim tâm lý, và Jake Gyllenhaal là những cái tên đảm bảo thu hút người xem. Câu chuyện phim kể về một gia đình nhỏ, người cha là thợ mộc, sống tại một vùng quê yên bình bất ngờ gặp phải một biến cố khủng khiếp, đứa con gái út cùng với đứa con gái của hàng xóm bỗng nhiên mất tích. Vậy là cuộc chạy đua truy tìm kẻ bắt cóc để giành giật sự sống cho cô con gái bắt đầu vì mỗi phút trôi qua là sự sống của những cô gái bé nhỏ sẽ trở nên mong manh hơn.
Đối với diễn xuất của các diễn viên trong phim, Hugh Jackman đã có một vai diễn tốt, vai một ông bố yêu thương con hết mực, điên cuồng đi tìm kẻ bắt cóc, để có thể tìm lại được con gái đã bất chấp tất cả, kể cả phạm tội. Những pha diễn nội tâm hay những cảnh tức giận, tuyệt vọng của Hugh Jackman đã truyền tải được cảm xúc đối với người xem. Còn về Jake Gyllenhaal, thật sự thì mình rất thích diễn viên này qua những vai diễn ấn tượng trong những phim trước đây, tuy vậy trong phim này thì Jake Gyllenhaal chỉ diễn ở mức tròn vai thanh tra cảnh sát, không mang lại cảm xúc đặc biệt mạnh mẽ nào cho người xem, có khi bước ra khỏi rạp ta lại quên mất Jake Gyllenhaal đã thể hiện như thế nào. Các nhân vật phụ còn lại thì diễn khá tốt, nhất là vai tên ngờ ngệch thiểu năng trí tuệ, chú này cũng là một diễn viên khá quen mặt.
Nói chung, Prisoner là một phim khá hay, một cái kết không phải là bất ngờ lắm nhưng sẽ khiến cho nhiều người suy nghĩ. Bộ phim cũng mang lại những thông điệp khiến ta phải suy ngẫm. Nếu bạn là người thích thể loại phim hình sự tâm lý thì đây chắc chắn là lựa chọn đầu tiên của bạn khi ra rạp trong thời điểm này.
Taxi Driver (1976)
Nếu nói hắn tốt, luận điểm rõ ràng nhất là Idris. Hắn muốn cứu Idris khỏi tay ma cô Sport, và còn để lại cho cô ấy tiền. Và nếu nói hắn xấu, thì rõ ràng hắn đã có ý định ám sát Thượng nghị sĩ Palantine cơ mà. Theo mình, chính sự cô đơn buồn bã, dần dần trở thành cơn cuồng điên, cùng với mong muốn phải “tẩy sạch” cho thành phố, khiến hắn có những quyết định khủng khiếp mà không 1 khán giả nào đoán được. Gã không còn giá trị đạo đức nào hết, chỉ muốn bắt giết cho thoả. Và sau cảnh cao trào đầy máu me, ta thấy Travis cũng chả thiết tha gì cuộc sống nữa, gã đã quyết định chết sau khi hành động. Tiếc thay, tất cả khẩu súng của gã đã hết đạn, nên gã chỉ biết cười và dùng ngón tay bắn vào đầu, miệng tạo tiếng nổ súng thôi (1 cảnh ám ảnh và không thể nào mà mình quên được).
Cái kết của phim rất hay vì nó gây tranh cãi, nó có thể diễn giải theo cực kì nhiều cách. Nếu Travis thực ra đã chết vì mất máu, thì toàn bộ những cảnh sau đó chỉ là 1 giấc mơ, được tôn làm anh hùng, được ba mẹ Idris cảm ơn, Betsy nể phục. Hay như Paul Schrader đã nói trong cuộc phỏng vấn, cảnh cuối phim có thể ghép vào cảnh đầu phim, và Travis vẫn là con người như xưa. Biết đâu hắn lại hành động lần nữa, như Scorsese miêu tả: “1 quả bom nổ chậm”. Cũng mỉa mai thật, khi mà 1 người vài lúc trước có ý định giết người sẽ trở thành tổng thống, giờ được tôn lên như 1 vị anh hùng.
Thế còn cảnh cuối cuối luôn á, Travis nhìn vô gương chiếu hậu và khuôn mặt rõ vẻ bất ngờ? Theo giả thuyết giấc mơ, đó là cái nhìn tỉnh ngộ rằng mình đã mất. Scorsese cho rằng đó là ẩn ý của 1 cơn thịnh nộ tiếp theo. Hoặc có thể là gã chỉ nhớ lại câu Idris nói với gã: “Anh có bao giờ nhìn mình trong gương chưa?”
Nói qua về kỹ thuật làm phim, thì nhạc phim của Taxi Driver rất đơn giản mà tinh tế. Bạn có thể để ý 1 điệu kèn du dương và đoạn trống căng thẳng lập đi lập lại nhưng không nhàm chán. Các góc quay tạo cho New York 1 vẻ nhìn dơ dáy, u ám. Vài điểm trừ nho nhỏ ở những khúc edit khá vụn, nhưng có lẽ do mình không quen phim xưa.
Jodie Foster năm ấy chỉ 12 tuổi, và cô hoàn thành xuất sắc vai diễn thực sự quá sức của bất kì ai. Robert De Niro, không có gì phải bàn cãi ở đây, là diễn viên xuất sắc nhất thế hệ của ông (tiếc quá ông đóng Dirty Grampa). Cũng có vài phân cảnh đáng nhớ mình muốn nói qua, như cảnh nói chuyện qua điện thoại với Betsy, “You’re talkin to me?”, đoạn hội thoại của hắn và Idris, cảnh nói chuyện với gã khùng sắp giết vợ. Có lẽ dịp khác.